Niit - Ict Hà Nội » Tin tức » Tin tức công nghệ » Lời khuyên dành cho sinh viên IT: Nên học và làm gì để không thất nghiệp?
Lời khuyên dành cho sinh viên IT: Nên học và làm gì để không thất nghiệp?

Là sinh viên, đã bao giờ bạn tự hỏi: Mình phải học gì, làm gì để không thất nghiệp, ra trường có việc làm chưa? Nếu chưa thì hãy bắt đầu tự hỏi từ bây giờ đi nhé! Bài viết này sẽ giúp bạn trả lời một phần câu hỏi trên.

 

Hãy học cách tìm hiểu thị trường lập trình

 

Để tìm được một công việc “đúng” cho bản thân, hãy làm theo lời các cụ xưa “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”. Hãy học cách để tìm hiểu thị trường, xem ngôn ngữ nào đang hot, công nghệ nào đang được dùng nhiều để từ đó bổ sung kiến thức cho phù hợp.

 

Tìm hiểu thị trường có khó lắm không? Thật ra rất đơn giản, bạn chỉ việc chịu khó đọc một số khảo sát của các trang chuyên về việc làm như khảo sát sau: Khảo sát của topIT.

 

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-01

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-02

 

Đọc sơ qua, ta dễ thấy là JavaScript đang hot, tiếp đến là PHP, C#, Java. Về mảng web, các framework đang được dùng nhiều là Bootstrap, jQuery, AngularJS, NodeJS. Tự học các framework này sẽ giúp bạn dễ tìm việc hơn rất nhiều!

 

Để rõ ràng hơn, các bạn có thể xem một số mẫu tin tuyển dụng trên itviec, vietnamwork, careerbuilder để xem các công ty họ cẩn tuyển người có những kĩ năng gì, từ đó trau dồi thôi!

 

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-03

 

Một mẫu tuyển dụng Senior Dev Java. Họ không chỉ yêu cầu ngôn ngữ mà còn phải biết framework, design pattern, kĩ năng mềm,…

 

Điều quan trọng nhất, nếu muốn có việc làm, đương nhiên là phải học cách… xin việc. Dù bạn có giỏi cỡ nào mà không xin được việc thì cũng… vô dụng. Muốn xin được việc phải viết được một mẫu CV ổn, phải qua được vòng phỏng vấn.

 

Lấy kinh nghiệm ở đâu ra?

 

Có một thực tế trớ trêu như thế này: Nhiều công ty chỉ thích tuyển người đã có kinh nghiệm!

 

Sinh viên ra trường không có kinh nghiệm -> thất nghiệp -> không được làm việc -> không có kinh nghiệm, tạo thành một vòng lẩn quẩn.

 

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-04

 

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-05

Không kinh nghiệm, các bạn sẽ cạnh tranh với nhau trong khoảng 7%. Có kinh nghiệm, số lượng công việc sẽ rộng mở hơn nhiều

 

Vậy sinh viên kiếm kinh nghiệm ở đâu ra

 

Cách đơn giản nhất là cố gắng đi thực tập vào năm 3. Việc đi làm sẽ dạy bạn được rất nhiều điều: làm dự án thực tế ra sao, quy trình thế nào, làm sao làm việc với khách hàng, đối xử với đồng nghiệp và cấp trên.

 

Tốt nhất là nên đi thực tập có lương, lương thấp cũng không sao, quan trọng là môi trường tốt, mình được làm nhiều, học hỏi được nhiều.

 

Nhà tuyển dụng cần kinh nghiệm để chứng tỏ bạn có khả năng, bạn làm được việc. Nếu không có cơ hội đi thực tập, bạn có thể làm free lance, làm các pet project hoặc dự án từ thiện.

 

Khi làm xong, bạn nhớ deploy dự án lên đâu đó, bỏ code lên github; sau đó bỏ các dự án đó vào CV, đem khoe với nhà tuyển dụng để chứng tỏ năng lực nhé.

 

Tự học, tự trang bị kiến thức lập trình như thế nào?

 

Để không thất nghiệp, bạn cũng phải biết cách tự học để trang bị kiến thức lập trình cho bản thân mình.

 

Kiến thức trong ngành này rất rộng, tài liệu học cũng rất nhiều và đủ thứ “thượng vàng hạ cám”. Nếu không biết cách học, bạn sẽ dễ bị loạn, mất thời gian mà khó đạt được mục tiêu.

 

Theo mình, để việc học trở nên hiệu quả, các bạn nên làm theo những bước sau đây:

 

Xác định thứ cần học: Đừng ôm đồm, hãy tập trung vào học một thứ trước. Đừng học Java, PHP, C# cùng một lúc mà hãy học một ngôn ngữ thôi! Chọn một ngôn ngữ, một framework, đào sâu vào, đến khi nào thành thạo thì bắt đầu học cái mới.

Xác định con đường: Ví dụ muốn làm front-end dev, bạn cần tìm hiểu về HTML/CSS/JS cơ bản, rồi mới bắt đầu tìm hiểu các framework. Làm gì cũng vậy, nên học kiến thức nền trước rồi nâng cao dần, chứ đừng đâm đầu vào học framework ngay.

Xem lại bản thân: Nhớ xem lại những gì mình đã biết, bổ sung những gì mình chưa biết. Đừng nghĩ rằng mình đã biết hết! Đến bản thân mình, lâu lâu những thứ mình tưởng rằng đã biết rồi vẫn thấy thiếu hụt tùm lum, phải học lại để bổ sung này!

 

loi-khuyen-danh-cho-sinh-vien-it-06

 

Con đường cần theo để trở thành Front-End developer

 

Nói chung, dù bạn có học cách nào thì cách tốt nhất vẫn là làm. Bạn có xem 3-4 khoá học, đọc hết 3-4 cuốn sách mà không viết dòng code nào thì cũng không tiếp thu được. Nhớ vừa học, vừa code, vừa áp dụng để tiếp thu kiến thức nhé!

 

Kết

Hi vọng bài viết này đã giúp bạn đỡ “bối rối” hơn, biết được phần nào những việc mình cần làm để lúc ra trường có thể tìm được một công việc ưng ý và phù hợp với bản thân.

 

(Theo toidicodedao.com)